Mục tiêu nghiên cứu là gì?
Mục tiêu nghiên cứu nhằm tóm tắt những gì sẽ đạt được sau khi nghiên cứu hoàn thành. Nói chung, người ta chia mục tiêu thành mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu chung là những thứ đạt được một cách tổng quát nhất, trong khi các mục tiêu cụ thể bao gồm các phần nhỏ hơn và có liên quan hợp lý với nhau với mục tiêu chung.
- Các mục tiêu cụ thể sẽ đề ra những gì cần làm trong nghiên cứu, ở đâu và cho mục đích gì.
Vì sao mục tiêu nghiên cứu lại quan trọng?
Đưa ra và hiểu rõ mục tiêu nghiên cứu của bạn sẽ giúp bạn không bị nhầm lẫn về những gì bạn đang làm từ đó bạn sẽ có các định hướng và hướng dẫn về cách đạt được mục tiêu đó. Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, nó sẽ định hướng cho các bước sau: đối tượng nghiên cứu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu phù hợp với đề tài.
Vì sao phải xây dựng mục tiêu nghiên cứu?
Khi tiến hành nghiên cứu, cần xây dựng mục tiêu nghiên cứu nhằm tập trung chủ đề nghiên cứu và tránh việc thu thập thông tin không cần thiết để giải quyết vấn đề.Ngoài ra, việc xây dựng các mục tiêu cụ thể giúp việc thiết kế nghiên cứu bằng cách chia các mục tiêu nghiên cứu thành các phần hoặc giai đoạn xác định.
Những yêu cầu của mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu tốt phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Chúng phải bao quát các khía cạnh khác nhau của vấn đề nghiên cứu theo một trình tự logic và mạch lạc.
- Được viết rõ ràng và chỉ rõ những gì sẽ được thực hiện ở đâu, khi nào và cho mục đích gì.
- Các mục tiêu phải hợp lý với điều kiện thực tế và khả thi.
- Các mục tiêu phải bắt đầu bằng các từ hành động nhất định và phải đạt được, chẳng hạn như: xác định, so sánh, kiểm tra, tính toán, mô tả,..
Nguyên tắc cần trong mục tiêu nghiên cứu
Hầu hết các dự án nghiên cứu ở bậc cơ sở hoặc đề tái tốt nghiệp thường chỉ có những mục tiêu cụ thể. Vậy nên, một mục tiêu nghiên cứu cụ thể và đúng phải đáp ứng 5 tiêu chí: “SMART”, theo đó:
S – Specific: cụ thể, rõ ràng.
M – Measurable: đo lường được, đếm được, định lượng được.
A – Achievable: khả thi.
R – Reasonable: hợp lý.
T – Timely: có phạm vi thời gian.
1. Mục tiêu nghiên cứu cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng, logic với tên đề tài và nội dung nghiên cứu
Các mục tiêu nên bắt đầu bằng động từ theo sau là tân ngữ (ai, cái gì) và trạng ngữ (thời gian, địa điểm), được viết rõ ràng và ngắn gọn, thể hiện tính cụ thể của nghiên cứu. Khi xem xét bản phác thảo nghiên cứu và đánh giá nghiệm thu đề tài hoặc hội đồng nghiệm thu đề tài ai cũng chú ý đến tính logic của đề tài, kể cả mục đích nghiên cứu. Mục tiêu nghiên cứu cũng cần phản ánh được tên đề tài và liên quan đến nội dung của cuộc nghiên cứu sau đó.
2. Mục tiêu nghiên cứu phải thể hiện đo lường và ước lượng được
Mục tiêu nghiên cứu phải được thể hiện bằng các chỉ số đo lường được. Ví dụ như “Mô tả thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở thương mại trên địa bàn Quận X năm 2018” hoặc “Đánh giá hiệu quả sử dụng Hemofil M trong điều trị bệnh máu khó đông A trên bệnh nhân tại Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương năm 2018”. Như với hai mục tiêu trên, thực tế là luôn sử dụng các chỉ số như tỷ suất, tỷ lệ. Hiệu quả của phương pháp điều trị có thể thấy ở tốc độ khỏi bệnh sau một thời gian dài.
3. Mục tiêu nghiên cứu cần phải có tính khả thi
Người nghiên cứu phải xây dựng một mục tiêu khả thi dựa trên các nguồn lực thực tế như kinh phí, nhân lực, phương tiện kỹ thuật, thời gian, v.v. Lỗi đặt mục tiêu quá hẹp, không đưa ra cụ thể hoá được tên đề tài, không bao hàm được hết nội dung nghiên cứu hay mục tiêu đưa ra quá tham vọng, trong khi nội dung và kết quả nghiên cứu còn hạn chế, các đề án đặt mục tiêu quá cao so với nguồn lực và khả năng thực tế là những sai lầm cần tránh.
4. Mục tiêu nghiên cứu phải hợp pháp, hợp lý
Mục tiêu chỉ đặt ra trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu. Mục tiêu cũng có cơ sở pháp lý là tuân theo các tiêu chuẩn chuyên môn quy định, đúng thẩm quyền chuyên môn hay phân tuyết kỹ thuật phù hợp. Mặt khác, đạo đức nghiên cứu cũng là một tiêu chí cần được quan tâm, có nhiều tiêu chí để đánh giá, thẩm định tính hợp lý của một mục tiêu nghiên cứu, nhưng tiêu chí đạo đức không thể sai phạm, dù đó chỉ là sơ suất rất nhỏ.
5. Mục tiêu nghiên cứu nên có phạm vi về thời gian
Đối với nghiên cứu lâm sàng, không phải lúc nào cũng cần ghi lại rõ ràng thời gian. Ví dụ, mục tiêu “Mô tả đặc điểm huyết học của bệnh nhân lao phổi tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương,” thời điểm nghiên cứu vào năm 2009 có thể không khác nhiều so với năm 2012, do đó, lịch trình của năm 2009 hoặc 2012 có thể nêu trong mục tiêu hoặc không. Tuy nhiên, khi nói đến các mục tiêu nghiên cứu như “Mô tả điểm đau của bệnh nhân phẫu thuật chi sau 3 ngày phẫu thuật” thì không thể bỏ qua mốc thời gian.
Đối với nghiên cứu cộng đồng, thời gian là một trong những yếu tố không thể thiếu vì các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến vấn đề nghiên cứu thay đổi theo từng mốc thời gian khác nhau.
Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, người nghiên cứu phải cân nhắc nhiều yếu tố và điều chỉnh mục tiêu cũng như tính khả thi cho phù hợp. Mục tiêu nghiên cứu là để các nhà nghiên cứu phát triển một chuẩn mực cho các phương pháp nghiên cứu thích hợp, từ việc lựa chọn đối tượng, địa điểm nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, đến kích thước mẫu và phương pháp lấy mẫu, thiết lập các biến, số và chỉ số, sau đó thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra kết quả đạt được các mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu nghiên cứu ban đầu cũng là cơ sở để các nhà nghiên cứu trình bày kết quả, thảo luận và viết các kết luận, khuyến nghị dựa trên các kết quả này.